Là doanh nghiệp sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu Đông Nam Á, Tập đoàn An Phát Holdings xác định tăng trưởng xanh là mục tiêu lâu dài và cũng là yếu tố sống còn trong chiến lược phát triển.
Không còn là một khái niệm xa vời hay mới mẻ, phát triển bền vững hiện đang trở thành vấn đề mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến đáng lo ngại, môi trường bị hủy hoại và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Tăng trưởng xanh cũng là xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (NET ZERO) được Việt Nam cùng 146 quốc gia đưa ra tại Hội nghị COP26.
“Là doanh nghiệp sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu Đông Nam Á, Tập đoàn An Phát Holdings xác định tăng trưởng xanh là mục tiêu lâu dài và cũng là yếu tố sống còn trong chiến lược phát triển. Tuy nhiên, trên hành trình theo đuổi mục tiêu đó, An Phát Holdings cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam, gặp không ít trở ngại và thách thức” ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings cho biết.
Trao đổi của ông Nguyễn Lê Thăng Long về chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn An Phát Holdings.
ur first post. Edit or delete it, then start writing!
Phát triển bền vững là mục tiêu sống còn của doanh nghiệp
– Trong thời gian gần đây, “kinh tế tuần hoàn” và “phát triển bền vững” được chú trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của phát triển xanh trong sự phát triển của các doanh nghiệp Việt hiện nay?
Trong bối cảnh vấn đề môi trường ngày càng nhức nhối, các doanh nghiệp ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo ra của cải cho xã hội, thì còn phải thể hiện mình là một chủ thể có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Yêu cầu này trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi mà các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Có một thực tế là, những lợi thế như nhân công giá rẻ và chi phí thuê mặt bằng thấp sẽ không tồn tại lâu, dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm kiếm những lợi thế cạnh tranh khác phù hợp hơn với bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn và bền vững hơn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động thích nghi với yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng uy tín và thương hiệu. Chính vì thế, yếu tố “phát triển xanh” là mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp, nếu họ không muốn bị bỏ lại phía sau trong chuỗi giá trị toàn cầu.
– Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa, An Phát Holdings đã có những bước chuyển mình sang “xanh” như thế nào, thưa ông?
Các sản phẩm của An Phát Holdings đã có mặt trên thị trường từ hơn 20 năm nay, từ nguyên vật liệu và hóa chất ngành nhựa, đến bao bì và công nghiệp hỗ trợ.
Do châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của An Phát Holdings. Mà từ năm 2012, nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu chuyển sang sử dụng các loại túi nilon thân thiện với môi trường và có lộ trình cấm sản phẩm nhựa dùng một lần, vì thế đã có rất nhiều khách hàng yêu cầu chúng tôi sản xuất các sản phẩm túi phân hủy sinh học là giải pháp thay thế.
Đây chính là căn nguyên để An Phát Holdings chuyển sang phát triển sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Và đến năm 2015, chúng tôi đã nghiên cứu và sản xuất thành công dòng sản phẩm nhựa phân hủy sinh học AnEco, sau đó xuất khẩu sang châu Âu cùng nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản…
Các sản phẩm AnEco đạt nhiều chứng nhận trong nước và quốc tế về khả năng phân hủy sinh học như: TCVN 13114, TUV OK Compost INDUSTRIAL, TUV OK Compost HOME, BPI Compostable…
Không dừng lại ở việc kịp thời đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ thị trường, An Phát Holdings còn có một khát vọng to lớn hơn, đó là từng bước đưa sản phẩm nhựa “xanh” và hơn nữa là “made by Vietnam” vươn ra thế giới.
Màng bọc thực phẩm AnEco – quả ngọt sau 3 năm nghiên cứu
– Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện phát triển sản phẩm AnEco? Tính đến nay, thương hiệu AnEco có thêm những sản phẩm mới nào thưa ông?
Sau gần 10 năm có mặt trên thị trường, thương hiệu AnEco đã gây được tiếng vang lớn và nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Xuất phát điểm từ 3 loại sản phẩm chính là: túi đựng thực phẩm, túi có quai và túi đựng rác, đến nay, chúng tôi đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều sản phẩm khác có tính ứng dụng cao như: dao, thìa, nĩa, cốc giấy, ống hút, găng tay, khăn trải bàn, hộp động thực phẩm, màng bọc thực phẩm…
Trong đó, màng bọc thực phẩm là sản phẩm mới, được đội ngũ R&D dày công nghiên cứu và phát triển. Màng bọc là sản phẩm yêu cầu phải rất mỏng, có tính dẻo dai cao, có khả năng bóc ra dễ dàng trong cuộn nhưng lại cần độ bám dính với các dụng cụ nhà bếp, và đặc biệt là cần độ trong và không bám hơi nước khi để trong tủ lạnh. Đây thực sự là một bài toán khó thử thách đội ngũ R&D của chúng tôi.
Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu từ năm 2019. Qua rất nhiều thử nghiệm mà sản phẩm vẫn có một điểm yếu nào đó khiến việc thương mại gặp khó khăn. Khi thì là khó tách khỏi cuộn, khi thì suy giảm tính chất quá nhanh, khi thì lại không bám dính với khay đựng. Nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ nghiên cứu, chúng tôi đã cho ra đời màng bọc thực phẩm AnEco, sở hữu đầy đủ tính năng của màng bọc truyền thống và còn có khả năng chống đọng sương trên màng, đồng thời có thể phân hủy sinh học trong vòng 6-12 tháng.
Quá trình nghiên cứu và phát triển đó kéo dài suốt 3 năm ròng rã, với hàng trăm cuộc thử nghiệm lớn nhỏ, và đến quý 4 năm 2022, màng bọc thực phẩm AnEco đã thực sự thành công trên thị trường khi nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng.
Phát triển xanh thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
– Như ông chia sẻ, sản phẩm AnEco của An Phát Holdings được khách hàng tại thị trường quốc tế ưa chuộng và tin dùng, vậy còn tại sân nhà Việt Nam thì sao?
Trong những năm qua, các sản phẩm như túi, dao, thìa, nĩa và găng tay có khả năng phân hủy sinh học là những mặt hàng chính mà An Phát Holdings tập trung sản xuất để giới thiệu đến khách hàng Việt Nam. Hiện các sản phẩm AnEco đều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử để khách hàng dễ dàng mua sắm.
Ngoài ra, An Phát Holdings còn cung cấp bao bì phân hủy sinh học cho các chuỗi nhà hàng, đồ ăn nhanh, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, Pizza 4P’s, Soc&Brothers đều đang sử dụng sản phẩm AnEco.
Tất cả hoạt động kinh doanh của An Phát Holdings đều thể hiện rõ trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, sự sẵn sàng chia sẻ gánh nặng trong việc xử lý rác thải nhựa, đồng hành cùng với chính phủ và cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ môi trường.
– Chắc chắn trên con đường phát triển xanh, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít trở ngại. Vậy đối với An Phát Holdings, trở ngại đó là gì, thưa ông?
Đầu tiên là vấn đề chính sách. Tại Việt Nam hiện chưa có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho sản phẩm thân thiện với môi trường và giá thành của loại mặt hàng này đắt hơn so với những sản phẩm mọi người đang dùng.
Khi đa số người dân có thu nhập chưa cao, việc sử dụng những chiếc túi làm từ nguyên liệu giá rẻ đã trở thành thói quen và chưa bị cấm triệt để thì đương nhiên mọi người sẽ chọn mặt hàng này.
Ngoài ra, hiện trên thị trường đang xuất hiện tràn lan các loại túi nhựa gắn mác “tự hủy sinh học” nhằm tránh thuế. Về bản chất, loại túi này không khác gì nhiều so với túi nilon thông thường, nó chỉ được thêm một phần rất nhỏ chất phụ gia OXO để dễ phân rã thành vi nhựa.
Hiện Chính phủ đã áp mức thuế 50.000 đồng/kg với các sản phẩm túi nilon không thân thiện với môi trường, tuy nhiên, các sản phẩm tự hủy OXO lại được miễn thuế. Có tới 97% thành phần là các loại nhựa thông thường nên túi OXO có giá bán gần như tương đương với túi nilon (35.000 đồng so với 30.000 đồng/kg). Điều này khiến sản phẩm túi phân hủy sinh học với chi phí lên tới 70.000-80.000 đồng/kg rất khó cạnh tranh.
– Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để các sản phẩm xanh có đất sống tại Việt Nam?
Theo tôi, việc thay đổi thói quen và nhận thức của đại đa số người tiêu dùng là điều không dễ dàng. Nó không thể xảy ra trong ngày một, ngày hai, mà cần một quá trình dài, cần sự tuyên truyền từ phía Nhà nước, và quan trọng hơn hết là cần sự thấu hiểu từ chính người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có hệ thống luật và quy định đủ mạnh để hạn chế và tiến tới là cấm hoàn toàn túi nilon, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh có dư địa để phát triển.
Và cuối cùng, cần xây dựng và áp dụng các quy định về gắn nhãn xanh cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm tự hủy sinh học với sản phẩm khác, tránh tình trạng mập mờ, đẩy các doanh nghiệp xanh vào thế khó.
– Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp vừa đảm bảo được lợi nhuận trong khi vẫn có thể theo đuổi được mục tiêu phát triển xanh?
Đầu tiên, ở Việt Nam, tăng trưởng xanh vẫn ở giai đoạn đầu vì vậy việc triển khai mô hình kinh doanh mới này sẽ cần có lộ trình thích hợp, cụ thể và rõ ràng.
Thứ hai, doanh nghiệp cần ý thức rõ về tầm quan trọng của thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho xã hội. Từ đó, lồng ghép trách nhiệm xã hội vào chiến lược kinh doanh, để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Thứ ba, cần có hệ thống quản trị và thông tin minh bạch, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, phát hiện doanh nghiệp nào làm ăn chân chính, doanh nghiệp nào làm ăn chộp giật. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm hơn khi theo đuổi mô hình phát triển xanh.
Thứ tư, khi xã hội ngày càng quan tâm đến phát triển xanh, doanh nghiệp nên tập trung vào công tác truyền thông để từ đó có thêm các đối tác, kết nối nguồn lực. Ngoài ra, thông qua truyền thông, doanh nghiệp sẽ tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn.
Cuối cùng, thị trường cho các sản phẩm xanh phải được đảm bảo. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm và xây dựng mạng lưới khách hàng tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… Để đặt chân vào các thị trường này thì sản phẩm và doanh nghiệp phải có danh tiếng và có lợi thế trong cạnh tranh.
Xin cảm ơn ông!
Leave a Reply